Sức hút ngành An toàn thông tin tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Thiếu hụt nhân lực an ninh mạng
Hiện nay, các phương thức tấn công mạng ngày càng tinh vi, thay đổi nhanh chóng và với quy mô rộng khắp, từ cấp quốc tế, quốc gia, tổ chức, tới từng người dùng. Việc thông tin dữ liệu bị đánh cắp, rò rỉ bởi các cuộc tấn công mạng gây ra hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại lớn.
An toàn thông tin có vai trò bảo vệ hệ thống dữ liệu tránh khỏi sự tấn công của các virus, mã độc, chống lại hành động truy cập, sửa đổi, phát tán, phá hoại dữ liệu bất hợp pháp nhằm đảm bảo cho các hệ thống thông tin thực hiện đúng chức năng, phục vụ đúng đối tượng theo cách chính xác và tin cậy.
TS. Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - tư vấn ngành học cho phụ huynh học sinh.
Theo báo cáo của tổ chức ISC2 (Hiệp hội thành viên Phi lợi nhuận Quốc tế cho các nhà lãnh đạo An ninh thông tin toàn cầu), hiện toàn cầu thiếu khoảng 3 triệu chuyên gia an toàn thông tin, trong đó riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần thêm 2 triệu chuyên gia mới đáp ứng đủ.
Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 tính đến năm 2030 (QĐ 2289/TTg/31/12/2020 của Chính phủ), một trong các mục tiêu là chỉ số an toàn, an ninh mạng đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu trong Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).
"Nhu cầu nhân lực ngành An toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp rất lớn, khảo sát cho thấy 97% tổ chức cần nhân sự an toàn thông tin và 72% trong số đó chưa có đủ nhân sự. Do đó, việc đào tạo cung cấp đủ nguồn nhân lực về an toàn thông tin là vấn đề cấp thiết", TS. Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết.
Trong chuỗi Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT năm 2024, ngành mới An toàn thông tin thu hút lượng lớn thí sinh tham khảo, tìm hiểu.
Vì sao nên học ngành An toàn thông tin tại HaUI?
Theo học ngành An toàn thông tin tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, khả năng thiết kế, cài đặt và quản trị hệ thống mạng, nguyên tắc tổ chức thông tin, chính sách và pháp luật của nhà nước cũng như yếu tố con người trong việc đảm bảo an toàn thông tin.
Trong những năm học tại trường, sinh viên còn được chú trọng phát triển kỹ năng chuyên môn như: phân tích mã độc, xây dựng các thuật toán, phần mềm an toàn; phân tích, tư vấn, thiết kế, ngăn chặn sự cố trong mạng máy tính và các hệ thống thông tin; thực hành phòng thủ hệ thống chống lại các cuộc tấn công trong môi trường số, đảm bảo thông tin được lưu trữ, truyền tải an toàn…
Chia sẻ thêm về chương trình đào tạo đối với ngành An toàn thông tin, Tiến sĩ Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin như phân tích, thiết kế phần mềm, nguyên lý hệ điều hành, mạng máy tính, một số ngôn ngữ lập trình cần thiết.
Ngoài lý thuyết, các em sẽ được thực hành tại phòng lab dành riêng cho lĩnh vực an toàn thông tin.
Sinh viên khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Tiến sĩ Đặng Trọng Hợp cho hay, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành An toàn thông tin rất rộng mở, từ các ngành khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế và nhiều lĩnh vực từ công ty, doanh nghiệp tư nhân cho tới các cơ quan bộ, ngành, Chính phủ.
"Theo khảo sát, mức lương trung bình cho sinh viên mới tốt nghiệp ngành An toàn thông tin trung bình 8-15 triệu đồng/người/tháng, và với nhân sự có kinh nghiệm 1-3 năm thì mức lương trung bình khoảng 15-40 triệu đồng/người/tháng.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên mới ra trường có thể đảm nhiệm một số vị trí như: chuyên viên quản trị an ninh mạng, cơ sở dữ liệu; chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn; chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống; chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin", TS. Hợp cho biết.
Theo https://dantri.com.vn/
Thứ Ba, 15:42 28/05/2024
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.