FPT Software tiếp tục đầu tư 125 tỷ đồng đào tạo Nguồn lực ICT chất lượng
FPT Software tiếp tục đầu tư 125 tỷ đồng đào tạo Nguồn lực ICT chất lượng Nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp dành cho nhân sự IT tiếng Nhật đã được mở ra tại sự kiện Conference Meeting Japan 2024. Trong chương trình đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào thứ Sáu tuần qua ngày 20/9/2024, FPT Software đã công bố gói đầu tư đào tạo nguồn lực ICT tiếng Nhật trị giá 125 tỷ đồng, cùng danh sách các trường Đại học liên kết trong giai đoạn đầu tiên.
Chuỗi sự kiện được tổ chức lần lượt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm mang đến những thông tin về thị trường ICT Nhật Bản và cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho các kỹ sư ICT tiếng Nhật.
Đại diện FPT Software tham gia chương trình tại Hà Nội có anh Nguyễn Tuấn Minh – CHRO FPT Software và anh Trịnh Văn Thảo – CPO FPT Japan. Ngoài ra, chương trình chào đón sự tham gia của lãnh đạo các công ty thuộc Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam – Nhật Bản (VADX) như Rikkei, VTI, FABBI...cùng hơn 300 khách mời là sinh viên ICT, Ban Giám hiệu và giảng viên các trường Đại học công nghệ hàng đầu toàn quốc (Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn Thông, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Phenikaa…).
TS. Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa CNTT ĐH Công Nghiệp tham dự Tọa đàm.
Tại chương trình, anh Trịnh Văn Thảo - CPO FPT Japan nhận định vị thế của Châu Á và Nhật Bản trong bối cảnh ngành ICT toàn cầu. Anh cho hay, doanh thu thị trường IT service dự kiến đạt 36 tỷ đô vào năm 2024. Cũng trong năm nay, hơn 40% công việc của thị trường dịch vụ ICT tại Nhật Bản được dự báo sẽ được thuê outsource. Đến năm 2030, Nhật Bản sẽ thiếu 790.000 chuyên gia ICT. Với lợi thế sẵn có, Việt Nam vẫn đang là nước được các doanh nghiệp Nhật ưu ái trong việc đầu tư, hợp tác. Điều này vừa là thời cơ khi nguồn lực ngành ICT tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng cũng vừa là thách thức khi phần lớn các kỹ sư ICT của chúng ta chưa được định hướng và chủ động trang bị ngôn ngữ Nhật đầy đủ để đón đầu chuỗi cơ hội rộng mở này. Anh kỳ vọng, các kỹ sư ICT nắm bắt cơ hội vàng, trau dồi Nhật ngữ, góp sức khẳng định vị thế ngành ICT Việt Nam tại Nhật Bản, cùng nhau chạm mốc doanh thu 7 tỷ USD vào năm 2035.
Hiện chương trình đào tạo tiếng Nhật chiếm 20% chương trình học. Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân ICT HEDSPI có thể được tuyển dụng sang Nhật Bản làm việc ngay với vị trí công việc và mức thu nhập tương đương các cử nhân ICT Nhật Bản. Riêng về ngoại ngữ Tiếng Nhật, trong quá trình học, sinh viên được học trực tiếp từ giảng viên người Nhật, thêm vào đó, nhiều môn chuyên ngành cũng được giảng dạy bởi các giáo sư và chuyên gia Nhật Bản đến từ các trường đại học và doanh nghiệp uy tín, điều này đảm bảo sinh viên có trình độ ngoại ngữ đủ để làm việc tại Nhật Bản.
Trong khuôn khổ sự kiện, FPT Software công bố gói đầu tư đào tạo nguồn lực ICT tiếng Nhật trị giá 125 tỷ đồng nhằm khuyến khích các bạn lựa chọn học tiếng Nhật và làm việc tại doanh nghiệp/thị trường Nhật Bản. Mục tiêu đến năm 2028, chương trình sẽ tạo ra hơn 3000 kỹ sư ICT có tiếng Nhật tốt cho thị trường IT Việt Nam. Gói đầu tư dự kiến sẽ triển khai rộng khắp trên cả nước, giai đoạn 1 đã xúc tiến tại 15 trường Đại học.
"Cách đây hơn 10 năm, chúng ta đã có 1 cuộc "nhảy vọt" với chương trình 10K BrSE, trong đó nhiều học viên của chương trình đó hiện nay đã trở thành những nhân tố chủ chốt không chỉ của FPT mà còn ở rất nhiều doanh nghiệp CNTT khác của Việt Nam. Hiện nay các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật đang đứng trước cơ hội lớn đến từ những xu hướng, chuyển dịch mới về công nghệ và xã hội. Cần tiếp tục có một cuộc "nhảy vọt" nữa về nhân lực, trong đó vai trò của các trường Đại học trở nên rất quan trọng, giúp doanh nghiệp VN có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong những năm tới.” - Theo anh Nguyễn Tuấn Minh - CHRO FPT Software chia sẻ.
Thứ Ba, 11:11 24/09/2024
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.